Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Dạ! Kính thưa!

Đã bao lần tôi tìm đến các nghĩa trang liệt sỹ ở Cà Tum, Tân Biên, Xa Mát, Lộc Tấn, Bù Đốp.. để viếng thăm anh em, đồng đội. Lần nào cũng nghẹn ngào thổn thức bởi day dứt món nợ thiêng liêng với những người đã khuất, món nợ đầy ám ảnh mộng mị mãi đeo bám da diết mà không biết phải trả bằng cách gì cho thanh thản trước khi về già nhắm mắt xuôi tay. Nhưng hôm nay là 1 ngày đặc biệt.

Do sức khỏe không thể đi xa nên tôi lên nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Dương. Thật bất ngờ, mới hơn 06 giờ sáng đã đông nghẹt người thăm viếng. Hàng ngàn người đủ mọi vùng miền đất nước đổ về. Nghĩa trang rộng mênh mông huyền ảo dưới mờ mịt khói nhang trầm mặc. Ai cũng nhón chân thật khẽ khàng, cẩn trọng, thành kính thắp nhang cho người thân, cho những bạn bè đồng đội của người thân, cho những người chưa hề quen biết nhưng đã vì họ, vì đất nước này mà ngã xuống.

Bởi cái tính ích kỷ hẹp hòi vốn dĩ, tôi tìm đến khu mộ của đơn vị mình, trung đoàn 205. Thắp nhang cho chú Tám Nỉ, trung đoàn trưởng & anh em đồng đội. Ký ức ùa ập tràn về, âm thầm & dữ dội. Tất cả như mới vừa xảy ra, mới một cách tàn nhẫn dù đã 32 năm trôi. Hồi đó ai cũng trẻ, chỉ huy trung đoàn chưa quá tuổi 40, cấp tiểu đoàn đại đội chỉ suýt soát trong ngoài 30 một chút nhưng ai cũng có hơn 10 năm đánh Mỹ, còn bọn tôi mới 19, 20 mặt đầy lông tơ, mụn & lang ben. Tất cả hừng hực lửa chiến đấu, nôn nóng chờ ngày xuất kích đến cồn cào cháy bỏng ruột gan. Gần 2.000 người lính ‘Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép’ chỉ còn lại phân nửa sau trận đánh đầu tiên. Giờ họ nằm đây, dưới hàng phi lau réo rắt hát ru, dưới lồng lộng trời xanh mây trắng & dào dạt gió lành. Từng gương mặt hiện về, thân quen, lạ lẫm, tươi cười rạng rỡ, đăm chiêu trầm tư.. Tất cả sắc diện dáng nét đều tươi nguyên tinh khôi như mọi việc mới vừa diễn ra, như khói súng vẫn chưa tan, như đất trời vẫn còn rung chuyển dữ dội bởi cuồng phong hỏa lực, tiếng hô xung phong như bão tố vẫn vang rền đâu đó. Trung đoàn mến yêu ơi! Họ nằm đây vô tư như ngày xưa trong trẻo chân thành. Lòng nặng trĩu tôi cắm từng cây nhang như 1 lời xin lỗi vì sự sống của mình bấy nay chưa xứng đáng với các anh. Mỗi cây nhang là 1 lời tri ân về bài học làm người, về giá trị sự sống, về ý nghĩa của độc lập tự do, về hòa bình yên ổn.

Bước qua khu kề bên, tôi thực sự hốt hoảng khi thấy số liệt sỹ của e 271 còn đông hơn. Hầu hết là lính Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước nay cứ ngỡ trung đoàn mình hy sinh nhiều nhất (có dạo nó mang tên ‘Hai linh nằm’ vì cả trung đoàn chỉ còn 6 – 7 trăm quân) nhưng ngờ đâu 271 còn tổn thất nặng nề hơn. Rồi 88, 273, 165, 141.. Rồi sư 9, sư 5, sư 3, sư 7.. Cả mặt trận như tập hợp hàng ngũ chỉnh tề ngay hàng thẳng lối, từng khối uy nghiêm oai dũng, mùi quân phục không thể lẫn vào đâu được, những ánh mắt sáng ngời, những gương mặt nghiêm nghị rắn rỏi, những người lính hiền lành như củ khoai cục đất. Họ nằm sát cạnh nhau không phân biệt thấp cao, thứ bậc, vùng miền. Cảm giác tê lạnh tỏa lan như dòng điện, gai buốt cả người nước mắt chực trào tuôn mà không hiểu vì sao?

Một cậu 25, 27t giọng đặc sệt Nghệ An: “Con gọi người này là gì hả ông?” – “Là Bác” – “Người này?” – “Là ông Chú” – “Còn người này?” – Cũng là Bác luôn” – “…” Cả gia tộc họ ngã xuống nơi đây vậy mà gã bí thư huyện ủy D cứ mở miệng ra là miệt thị: “Đồ Bắc Kỳ!” Nghẹn vì uất giận, vì căm phẫn, vì bất lực..

Cái chân vừa bị vỡ xương bàn đau đến vã mồ hôi, gắng gượng đến sau tượng đài, nơi bạt ngàn vô số mộ vô danh. Những tấm bia đá cẩm thạch đen khắc trang trọng: “Liệt sỹ – Tên anh chưa biết nhưng chiến công anh hùng Tổ Quốc khắc ghi” Lần này thì không sao kìm được nỗi lòng. Tôi ngồi bệt xuống mặc cho nước mắt ràn rụa. Mà đâu chỉ mình tôi thả trôi cảm xúc? Các bạn trẻ đến từ các công ty, doanh nghiệp, trường học, cơ quan.. Hầu như ít ai làm chủ được tình cảm khi đến viếng khu đặc biệt này. Có đến mới thấm thía sự hy sinh không thể nào tả xiết của bao thế hệ người Việt. Có đến mới chứng kiến nghĩa cử & tấm lòng của lớp cháu con.. Cây nhang cuối cùng trong 10 bó mang theo đã cắm. Vẫn còn nhiều, nhiều lắm những chú những anh điệp điệp trùng trùng hàng hàng lớp lớp nằm đó, sao nỡ ra về? Tập tễnh bước lại cô gái mắt đỏ hoe đang đốt bó nhang to tôi hỏi xin 1 ít, không chút ngại ngần cô sẻ đôi bó nhang ân cần lễ phép: “Chú cũng là bộ đội ạ?” – “Vâng! Tôi đã từng là bộ đội” Cô gái quay mặt bước nhanh, bờ vai run bần bật tức tưởi.

Trời hanh hao nắng nhạt, gió mơn man lay lắt ngọn phi lau đong đưa cành liễu, ngày êm đềm nhè nhẹ trôi trong u tịch ghê người. Phía sau cái chết là sự sống, phía sau sự hy sinh là hòa bình thịnh vượng, phía sau những mất mát là lòng tri ân sâu nặng muôn đời muôn kiếp của đồng bào, đồng chí, cháu con.. Từ cõi vô hình xa ngái mông lung, văng vẳng lời thì thầm của nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Đức Mậu:

“Đồng đội ơi, nửa đêm tỉnh giấc
Gió lay lay trống trải một bên hầm”

Và anh lính nào thủ thỉ với người yêu:

“Em có thể mất anh bất cứ lúc nào
Em có thể sẽ bơ vơ khi em còn rất trẻ
Cũng có thể chỉ một cơn ác tính
Sau cái rùng mình, rồi cứ thế – ra đi..”

Tôi đứng nghiêm trước nghĩa trang: “Dạ. Kính thưa các chú, các anh. Tôi sẽ sống xứng đáng để không phụ bạc máu xương, sự sống & tuổi trẻ mà các chú, các anh đã hiến dâng cho Tổ Quốc!”

Hãy nhớ, “Dạ. Kính thưa!.. Tôi xin thề!”

Lê Vũ Bình Địa Mộc - Lê Văn Lực.

2 nhận xét:

  1. Bác Lực: Nói tới vụ "Kính thưa" lại nhớ về tư lệnh quân khu 7 hồi xưa: Trung tướng Bùi Thanh Vân (Út Liêm). Bất cứ hội nghị nào, dù quan trọng đến đâu, quan TW to bự cỡ nào... Ổng cũng chỉ: "Kính thưa các đ/c khách quý. Kính thưa toàn thể các đ/c!" rồi vào thẳng nội dung. Buổi chiều, nếu vẫn tiếp tục hội nghị đó thì ổng gọn lỏn: "Ta vào nội dung luôn. Hồi sáng kính rồi." Các bố bự ghét ổng ra mặt, muốn trừng trị cái tội "Bất kính" nhưng chả dám vì ông Út Liêm là 1 vị tướng tài. Các sư trưởng nổi tiếng cứng đầu, coi trời bằng hột đậu xanh cũng nể phục ông răm rắp.

    Kết luận: "Kính thưa" dông dài không chỉchỉ là tàn dư phong kiến mà còn là dấu chỉ văn hóa & năng lực.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Lực: Biết vậy nhưng khó thực hiện lắm Lọ à. Hồi đó tôi mới 23, 24 tuổi. Nghe ông Út nói vậy sướng tỉ tê vì hợp ý mình (ghét sự màu mè, rườm rà, khúm núm) nhưng khi có cơ hội lại chả làm được, dù muốn. Đổ thừa, cũng là cách tự an ủi: Mình còn trẻ nên bị mấy bố át vía. Sau này về sinh hoạt ở địa phương thì mới dám gói các thể kính thưa vào 1 cục. Lý do: "Cấp trên" dù to cỡ nào cũng trạc tuổi với mình, và tôi hiểu khá rõ cái tầm của họ tới đâu nên dẫu muốn nịnh cũng chả thể phọt ra chữ kính dành cho cá nhân. Đó là lý do tôi kl: Sức ì phong kiến + Văn hóa ứng xử + Năng lực.

    P/s: Đối với các vị lãnh đạo thì lỗi do mấy cậu đánh máy. Xin lưu ý kẻo bảo tôi xách mé nọ kia.

    Trả lờiXóa